Bình Đại: Sản xuất thành công muối sạch
Với phương pháp trải bạt trên ruộng muối, huyện Bình Đại đã thành công mô hình sản xuất muối sạch tại xã Thạnh Phước. Chỉ có 7 hộ trực tiếp tham gia với diện tích 5.000m2 mà tổng sản lượng đạt gần 58 tấn/năm.
Để giúp diêm dân tăng thu nhập mang tính bền vững, tháng 11/2010, Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư sản xuất thử nghiệm muối sạch tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại.
Với phương pháp sản xuất truyền thống, muối còn nhiều tạp chất. Sau khi chuẩn bị nền khuôn kết tinh xong, diêm dân cho nước chạt (nước có độ mặn từ 20-23Be, Be là độ muối) vào khuôn với chiều cao mực nước từ 2-3cm. Sau 2-3 ngày phơi nắng, muối bắt đầu kết tinh. Đến 8 - 9 ngày sau thì thu hoạch. Năng suất trung bình 1,8 tấn/500m2 khuôn kết tinh. Chất lượng muối trắng ngà, vàng, lẫn nhiều tạp chất, kích cỡ hạt muối to không đều. Thu hoạch xong, diêm dân phải tiến hành lại khâu chuẩn bị khuôn kết tinh (bằng cách lăn, nén, tu bổ bờ bao) tốn thời gian.
Trong khi đó, sản xuất theo phương pháp kết tinh trên bạt, sau khi trải bạt xong, diêm dân vệ sinh (lau) cho sạch mặt trên của bạt đã được trải trên khuôn kết tinh. Cũng với nước mặn có 20-22 độ Be, được cho vào khuôn kết tinh, mực nước từ 2-3cm. Một, hai ngày sau muối bắt đầu kết tinh. 7 - 8 ngày sau là thu hoạch, năng suất trung bình 2,5 tấn/475m2 khuôn kết tinh. Chất lượng trắng hoặc trắng ngà (do nguồn nước bị nhiễm phèn), muối không lẫn nhiều tạp chất, hạt muối to đều.
Nếu không thu hoạch mà châm nước thêm khoảng 1cm thì 14 - 15 ngày sau thu hoạch, năng suất lên đến 3,2 tấn/475m2. Chất lượng muối trắng, hoặc trắng ngà, hạt muối đều to, cứng hơn.
Thu hoạch xong, diêm dân không phải tiến hành lại khâu chuẩn bị khuôn kết tinh như phương pháp truyền thống, mà chỉ cần vệ sinh sạch sẽ khuôn khoảng 1 ngày là có thể bắt đầu đợt sản xuất tiếp theo.
Từ 15/2/2011 đến cuối tháng 4/2011, xã Thạnh Phước có 7 hộ trực tiếp thực hiện mô hình sản xuất muối theo phương pháp trải bạt. Kết quả, đạt trung bình 18 tấn/5.000m2/hộ. Còn 3 hộ tham gia đối chứng (sản xuất muối trên nền đất) cũng với tổng diện tích 5.000m2, chỉ đạt trung bình 12,2 tấn/5.000m2/hộ.
Theo ông Vũ Minh – Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước, sản xuất muối theo phương pháp trải bạt năng suất cao hơn 1,48 lần so với phương pháp sản xuất trên nền đất. Thời gian sản xuất của mỗi đợt rút ngắn từ 2 đến 3 ngày, do thời gian muối kết tinh trên bạt khá nhanh. Giá bán cao hơn 250 đồng/kg so với muối truyền thống. Muối trải bạt dễ tiêu thụ do nhu cầu thị trường đang cần muối sạch. Lợi nhuận trong vụ muối vừa qua thu được 42,3 triệu đồng/ha (sau khi đã trừ chi phí khấu hao bạt và công lao động). Trong khi đó, phương pháp truyền thống (sản xuất muối trên nền đất) chỉ được 17 triệu đồng/ha.
Ông Huỳnh Văn Đẹt, ấp Tân Long (xã Thạnh Phước), 1 trong 7 hộ trực tiếp tham gia dự án, phấn khởi cho biết: “Khuôn đầu tiên tôi cho kết tinh trong 6 ngày, mực nước 3,5cm thu hoạch được 85 giạ muối. Khuôn thứ 2 tôi thu hoạch được 90 giạ. Với diện tích 500m2 bạt, trong 10 ngày kết tinh, thu hoạch được 100 giạ; còn trên nền đất chỉ được 70 giạ. Do kết tinh muối trên bạt không bị hao hụt nên tôi thu 10 khuôn được 813 giạ (gần 33 tấn chỉ sau 2,5 tháng). Giá bán được 650 đồng/kg. Trong khi đó, những năm trước tôi thu khoảng 487 giạ. Để muối trắng đạt yêu cầu, tôi xử lý nước bị phèn trước khi cho vào khuôn kết tinh”.
Trước khi đi vào sản xuất thử nghiệm, 67 hộ làm muối ở Thạnh Phước được tập huấn và tham quan mô hình sản xuất muối trải bạt ở Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh). Sau khi tập huấn, Thạnh Phước có 67 hộ tham gia với tổng diện tích 35.000m2. Trong đó, tổng diện tích trải bạt là 3.730m2. Tổng kinh phí thực hiện là 200 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Dự án sản xuất muối sạch bằng phương pháp trải bạt, trang bị kiến thức và giúp diêm dân thấy được hiệu quả về năng suất và chất lượng của phương pháp sản xuất muối kết tinh trên bạt. Qua đó, thay đổi tập quán sản xuất theo phương pháp truyền thống hiệu quả thấp bao đời nay của diêm dân. Sản xuất theo quy trình trải bạt (nhựa PVC) làm tăng giá trị của sản phẩm, dễ tiêu thụ từ đó góp phần ổn định đời sống diêm dân. Đây là mô hình mẫu để nhân rộng phương pháp sản xuất muối sạch kết tinh trên bạt ra toàn tỉnh. Góp phần xóa đi cảnh muối nhiều mà bán không được bao nhiêu trong những năm qua. Hơn nữa, dự án sản xuất muối sạch đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội và phù hợp với tình hình phát triển thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế” – ông Nguyễn Văn Thượng, Phó Chi cục Phát triển nông thôn nhận xét.
(Nguồn http://www.bentre.gov.vn)